Dinh dưỡng cho trẻ sau khi bị bệnh

Đối với trẻ từ 1-2 tuổi

Vẫn duy trì cho trẻ bú mẹ đều đặn. Nếu trẻ không chịu bú, có thể vắt sữa mẹ ra, dùng thìa đút cho trẻ. Bên cạnh đó, người mẹ phải đảm bảo ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nên tăng cường các thức ăn có nhiều đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các thực phẩm giàu vitamin như các loại trái cây, nước ép hoa quả. Các loại thực phẩm này giúp phòng tránh suy dinh dưỡng. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới khả năng phát triển trí tuệ của trẻ sau này.

Thức ăn cho trẻ cần nấu loãng và giàu chất dinh dưỡng hơn. Không cần quá kiêng khem các loại thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh.

Cần cho trẻ uống nhiều nước.

Khi bệnh, cơ thể trẻ thường mệt mỏi, khó chịu và hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả. Trẻ nhỏ hơn thì dễ bỏ bú do nghẹt mũi. Vì vậy, trẻ rất khó ăn uống được bình thường trong thời gian bị bệnh. Việc tốt nhất lúc này là duy trì mức năng lượng tối thiểu cho nhu cầu của trẻ. Vấn đề phục hồi dinh dưỡng tối ưu nên đặt ra sau khi trẻ khỏi bệnh. Mức năng lượng cần cho trẻ trong thời gian bị bệnh chỉ chiếm khoảng 70 – 80% nhu cầu hàng ngày.

Đối với trẻ từ 2-3 tuổi

Nên dùng thức ăn lỏng, dễ tiêu nhưng giàu dinh dưỡng như: cháo, súp nấu với trứng, thịt bằm nhuyễn, sữa nguyên kem, sữa chua… Có thể cho trẻ uống sinh tố trái cây pha thêm sữa hoặc ăn khoai tây nghiền. Các bánh ngọt có nhân kem, nhân sữa cũng tốt cho trẻ.

Đối với trẻ trên 3 tuổi

Ngoài cháo và súp, có thể cho trẻ ăn phở, hủ tiếu, bánh canh… Tuy nhiên cần bảo đảm đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng, tỷ lệ hợp lý, trẻ thích ăn.

 

Nên chia thành nhiều bữa nhỏ, thường 8-9/ngày, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 giờ. Nhiều người cho rằng không nên cho trẻ ăn dầu, mỡ trong giai đoạn này. Điều này là không đúng. Dầu mỡ sẽ làm tăng năng lượng, dinh dưỡng cho khẩu phần ăn của trẻ.

Cho trẻ uống thật nhiều nước. Không nhất thiết phải uống toàn nước lọc. Có thể cho trẻ uống 30-60ml sữa sau mỗi giờ, bổ sung trái cây, váng sữa.

Lưu ý

– Nên thay đổi món thường xuyên để giúp trẻ ăn ngon miệng.

– Nên cho trẻ ăn ít rồi mới tăng dần. Hiện tượng ngạt mũi, khó thở sẽ khiến trẻ không chịu ăn uống. Cách tốt nhất là trước mỗi bữa ăn hay bú, cần làm thông thoáng mũi và họng cho trẻ.
Thực hiện bằng cách: dùng tăm bông để lấy sạch nước mũi, sau đó nhỏ nước muối sinh lý để trẻ dễ thở hơn.

– Sau khi trẻ bị bệnh, vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cần chú trọng hơn. Không nên quá kiêng khem làm trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.

– Cần tăng cường thêm bữa, thêm thức ăn, thêm dinh dưỡng cho trẻ. Luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng trong một bữa ăn.

Phương Phương - thaythuocvietnam.vn