Xông hơi- Phương pháp cổ truyền điều trị cảm cúm hiệu quả

 

          Xông là một phương pháp điều trị cổ truyền độc đáo của người Việt áp dụng trong việc phòng chữa các chứng bệnh: cảm mạo, nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, viêm phế quản, viêm họng, nhức mỏi, giải độc phong ngứa.... phương pháp này mang lại hiệu quả cao nhưng ít tốn kém

          Các loại lá xông giải cảm dễ tìm như:

Hương nhu

Bạc hà

Lá tre

Lá bưởi

Lá gừng

Củ xả

Kinh giới

Ngải cứu

          Đặc điểm chung là tất cả các loại thảo dược trên đều chứa tinh dầu do đó có Công dụng chính là giúp cơ thể người bệnh ra mồ hôi, giải cảm nhiễm do gió, lạnh, ẩm ướt, khí độc, hạ nóng sốt... Nồi lá xông được ví như cách tắm hơi có kèm dược liệu. Các loại hương liệu trong lá bốc hơi kèm nhiệt độ cao được hấp thụ vào cơ thể qua đường hô hấp và chân lông biểu bì làm sát trùng, giải nhiễm độc, kích thích chuyển hóa khí huyết, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng.

Lá bưởi

Sau khi xông, da của bệnh nhân trở nên mềm mại, nhuận và mát. Đường hô hấp được thông suốt, giảm đau, giảm tiết, hạ khí cho nên bớt đau đầu, chóng mặt, khớ thỏ. Trong các lá xông có kháng sinh, có tinh dầu cho nên có tác dụng chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm đau, hạ sốt… Các lỗ chân lông được thông thoáng, da tươi nhuận trở lại. Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, nhẹ người, khoan khoái hẳn lên.

          Các bước tiến hành xông

- Cho 5 - 7 loại lá như trên, mỗi thứ 50 - 100 gr vào nồi, đổ nước ngập thuốc khoảng 2cm, đậy vung kín. Đun sôi thuốc trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút. Đặt nồi nước xông vào vị trí xông trong buồng xông.

-  Người bệnh mặc quần áo lót, ngồi trước nồi xông, sử dụng tấm vải lớn hoặc chăn trùm kín toàn thân. Mở nắp vung cho hơi thuốc bốc ra từ từ vừa với sức chịu đựng của cơ thể. Vừa hít sâu hơi nước thuốc, vừa dùng dụng cụ khuấy nồi thuốc xông cho hơi thuốc bốc lên.

- Ngồi xông cho đến khi thấy mồ hôi ở đầu, mặt, cổ, ngực, lưng toát ra thì dừng xông, thời gian khoảng 15 - 20 phút. Lấy khăn khô lau khô toàn thân và thay quần áo khô sạch.

- Sau khi xông, uống một ly nước chanh đường, cho thêm vài hạt muối hoặc ăn cháo nóng có lá tía tô, hành, tiêu bắc, chanh ớt…. Tùy theo tình trạng sức khỏe, người bệnh xông 2 lần vào ngày đầu tiên, sau đó có thể xông một lần vào các ngày tiếp theo cho đến khi lành bệnh.

           Lưu ý khi xông hơi thuốc

·       Nhiệt từ hơi nước có thể gây bỏng do đó chỉ nên điều chỉnh nhiệt xông hơi cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7-8 độ C. Chú ý trong quá trình xông không để hơi nóng quá gần da gây bỏng và không được xông quá 30 phút.

·       Do khi xông cơ thể sẽ bị mất nước nên cần uống bù nước ấm sau khi xông. Chú ý không uống nước lạnh vì gây mất cân bằng nhiệt trong cơ thể.

·       Không nên tắm ngay sau khi xông vì khi ấy lỗ chân lông đang mở, nếu gặp lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh, càng làm bệnh nặng hơn.

·       Không nên xông nhiều lần hoặc xông liên tục sẽ làm cơ thế mất nước, bệnh thêm nặng và gây nguy hiểm cho sức khỏe.