Hoa Hòe vị thuốc quý trong điều trị tăng huyết áp
Hoa hòe là một loài cây thân gỗ, có các tên gọi khác như hòe mễ, hòe hoa mễ, hòe hoa và có tên khoa học là Sophora japonica L.
Cây hoa hòe trưởng thành có thể đạt độ cao từ 5 - 6m. Lá mọc kép, so le nhau, hoa mọc thành bông, có màu vàng trắng và khi nở có hình cánh bướm. Quả có hình giáp dài hoặc hơi cong, ở giữa có một vài hạt.
Cây hoa hòe thường được trồng ở các vùng Trung Bộ, bằng phương pháp giâm cành hoặc ươm hạt. Cây hoa hòe sau khi trồng 3 - 4 năm có thể bắt đầu thu hoạch. Mùa thu hoạch trùng với mùa ra hoa vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
Theo y học hiện đại
Trong hoa hòe có chứa rutin là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mạch máu. Rutin trong hoa hòe giúp ổn định và hạ huyết áp, phòng ngừa tai biến mạch máu não.
Hoa hòe có những tác dụng cụ thể sau:
- Cầm máu, rút ngắn thời gian chảy máu, đặc biệt là khi sử dụng hoa hòe được sao thành than.
- Làm giảm khả năng thẩm thấu ở mao mạch, nhờ đó cải thiện sức bền cho thành mạch
- Chích dịch hoa hòe vào tĩnh mạch chó thấy giảm huyết áp rõ rệt. Ở ếch, dịch hoa hòe cũng gây hưng phấn nhẹ trên tim cô lập. Trong khi đó, Glucosid từ vỏ hòe lại làm tăng lực co bóp của tim ếch.
- Hòe bì tố làm giảm cholesterol và mỡ máu, phòng trị xơ vữa động mạch
- Tác dụng kháng viêm khi thực nghiệm trên chuột lớn và chuột nhắt bị viêm khớp
- Chống co thắt, giảm trương lực cơ trơn của đại tràng, phế quản
- Rutin trong cây hoa hòe giúp giảm tỷ lệ tử vong ở chuột nhắt do ảnh hưởng của chất phóng xạ.
- Nước hoa hòe được bơm vào ruột thỏ bị tiêu chảy thấy tình trạng đi tiêu phân lỏng giảm bớt.
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, hoa hòe có vị đắng, tính hàn, có tác dụng lương huyết, chỉ huyết. Hoa hòe được sử dụng trong các trường hợp huyết nhiệt, cầm máu, điều trị các bệnh chảy máu cam, ho ra máu, rong kinh, đại tiện ra máu. Ngoài ra, hoa hòe còn giúp điều trị cao huyết áp, điều trị sau tai biến mạch máu não. Ngoài ra, hoa hòe còn có một số tác dụng khác như:
- Cầm máu: các chứng chảy máu cam; tiểu tiện, đại tiện ra máu; rong kinh.
- Giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và tăng độ bền của mao mạch.
- Hạ mỡ trong máu
- Viêm loét
Cách pha trà hoa hòe
Cho vào ấm 20 – 30g hoa hòe khô, sau đó rót 300ml nước vừa đun sôi vào, đợi khoảng 3 – 5 phút. Sau khi hoa hòe ngấm nước chìm xuống là có thể dùng được. Nếu hoa hòe chưa chìm xuống là do bạn dùng nước chưa thật sôi. Ngoài ra, cũng có thể cho hoa hòe vào ấm đổ nước và đun sôi trong vòng 1 – 2 phút.
Lưu ý: Hoa hòe có tính hơi lạnh nên những người tì vị hư hàn (hay đau bụng do lạnh, chậm tiêu) không được dùng vị thuốc này. Nếu cần dùng thì phải phối hợp với các dược liệu khác có tính ấm nóng. Nên tìm đến những lương y có tay nghề cao để được tư vấn và có được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Ngoài điều trị bệnh cao huyết áp, hoa hòe cũng có thể được dùng để điều trị một số bệnh khác như tiêu chảy, trĩ chảy máu, chảy máu cam, … rất hiệu quả.
Một số chứng bệnh thường dùng hoa hoè:
– Trị máu cam, trĩ xuất huyết, nụ hòe, trắc bách diệp, ngải diệp, tất cả đều sao cháy, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
– Trị tăng huyết áp, đau mắt, nụ hòe (sao vàng), lá sen, mỗi vị 10, cúc hoa vàng 4g, sắc uống ngaỳ một thang.
– Trị đaị tiểu tiện ra máu, hoa hòe, trắc bách diệp, mỗi vị 20g, hoàng liên, kinh giới , mỗi vị 8g, sắc uống, ngày một thang chia hai lần.
– Trị đi ngoài ra máu, các trường hợp huyết nhiệt, mao mạch giòn, huyết áp tăng, hòe hoa, thảo quyết minh, đều sao vàng, lượng bằng nhau 8 – 10g, dưới dạng thuốc hãm, uống nhiều ngày .
– Trị trĩ nội, viêm ruột, quả hòe ( sao đen), kim ngân hoa, mỗi vị 100g, cam thảo 10g, nghệ vàng 10g. Tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 8 – 10g.