CÚM MÙA
1. Cúm mùa là gì ?
Cúm mùa (Inflienza seasonal) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus cúm A, B, C hoặc D gây ra. Bệnh dễ lây lan từ người sang người và gây ra các triệu chứng sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), nhức đầu, đau cơ khớp, đau họng, chảy nước mũi...Cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng có xu hướng tập trung vào mùa đông xuân, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết.
Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng từ 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền... Do đó, người bệnh phải có ý thức điều trị bệnh nhanh, dứt điểm, tiêm vắc xin cúm nhắc lại hằng năm.
Ở Việt Nam, cúm mùa thường diễn ra quanh năm và thường đạt đỉnh vào khoảng tháng 3-tháng 4 và tháng 9-tháng 10 hàng năm, có xu hướng tăng trong mùa đông và đặc biệt là giao mùa.
2. Triệu chứng của cúm mùa
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm mùa thường xuất hiện một cách đột ngột. Người mắc cúm có thể trải qua một hoặc một nhiều trong số các triệu chứng sau:
· Sốt hoặc cảm giác sốt, ớn lạnh, cảm giác rét run
· Đau nhức đầu, chóng mặt
· Ho kéo dài, đau rát họng
· Ăn không ngon, chán ăn
· Tắc nghẽn mũi hoặc chảy nước mũi liên tục
· Đau nhức cơ bắp, đau ê ẩm toàn thân
· Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
· Ở trẻ nhỏ, triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, nôn và buồn nôn có thể xảy ra
Trường hợp nặng có thể có các triệu chứng: khó thở, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp.
Biểu hiện của cúm mùa sẽ từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào độ tuổi, bệnh đi kèm, tình trạng chủng ngừa và khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với virus. Thông thường người bệnh đã được tiêm vắc xin cúm mùa có các triệu chứng nhẹ hơn và ít có khả năng bị biến chứng hơn.
3. Biến chứng có thể gặp khi mắc cúm mùa
· Viêm phổi do nhiễm khuẩn thứ phát
· Hội chứng suy hô hấp cấp tính
· Viêm cơ
· Viêm cơ tim
· Suy đa tạng
Bệnh cúm có tỷ lệ mắc bệnh rất lớn, đặc biệt ở người lớn tuổi và trẻ em, nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong.
4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị cúm mùa
· Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cúm mùa
Giai đoạn 1: Lâm sàng
Các triệu chứng thường gặp như sốt cao trên 38 độ C, đau nhức toàn thân, kèm các biểu hiện về đường hô hấp như: chảy nước mũi, ho, đau họng, khó thở
Giai đoạn 2: Xét nghiệm
Test nhanh kháng nguyên (rapid antigen)
Test phân tử nhanh (phát hiện acid nucleic)
Xét nghiệm phân tử thông thường (PCR)
Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp và gián tiếp để phát hiện kháng nguyên và nuôi cấy virus
Giai đoạn 3: Chẩn đoán xác định
Có các triệu chứng như giai đoạn 1, người bệnh có yếu tố dịch tễ sống tại khu vực có cúm hoặc tiếp xúc với người mắc cúm. Xét nghiệm PCR hoặc nuôi cấy virus cho ra kết quả dương tính.
· Phương pháp điều trị cúm mùa
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng, người bệnh có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà với các biện pháp như sau:
- Hạ sốt bằng Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ
- Uống nhiều nước, đảm bảo cân bằng điện giải
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn đồ ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp
Đối với các trường hợp cúm có biến chứng, bệnh nhân cần được nhập viện điều trị và theo dõi, sử dụng các loại thuốc kháng virus.
5. Phòng ngừa cúm mùa
· Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là khi ra ngoài trở về nhà, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh
· Che miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng sau khi dùng tay che miệng để tránh lây nhiễm sang đồ vật
· Vệ sinh nhà cửa, lớp học, phòng làm việc thường xuyên
· Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc cúm mùa, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính, trẻ em, người già hoặc phụ nữ có thai.
· Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng
· Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm