Tác dụng của gừng trong y học cổ truyền

Trong YHCT , gừng được sử dụng dưới dạng tươi (sinh khương) và khô (can khương). Thành phần của gừng chủ yếu là tinh dầu, trong đó có các thành phần: β – zingiberen, ar – curcumen, β – farnesen, α – camphen, β – phelandren, eucalyptol, các hợp chất alcol: geraniol, linalol, borneol, zingeron, zingerol….

 

Gừng có khả năng ức chế hoạt tính của histamin và acetylcholin, dẫn đến giảm sự co thắt cơ trơn ruột cô lập (thỏ). Điều đó cho phép ta giải thích tính chất giảm đau vị tràng của gừng. Gừng còn có tác dụng hạ sốt, giảm ho, giảm đau, cường tim, chống nôn, chống viêm, chống loét đường tiêu hóa, kích thích vận chuyển thức ăn trong đường tiêu hóa, kích thích tuyến nước bọt, ức chế sự phát triển của nhiều chủng nấm: Epidermophyton floccosum, Microscosumgypseum, Paecilomyces, Trichophyton mentagrophytes.

Theo YHCT , gừng có tác dụng phát tán phong hàn, chỉ nôn, hóa đàm chỉ ho, lợi niệu, giải độc. Dùng trị cảm lạnh, đầy bụng, trướng bụng, gây nôn, mửa, ho, nhiều đờm, giải độc cua cá… Gừng còn là một nguyên liệu quan trọng dùng trong cứu gián tiếp và là phụ liệu trong chế biến nhiều vị thuốc YHCT .

Liều lượng, ngày 4 – 12g (sinh khương), 5 – 9g (can khương), thường phối hợp với các vị thuốc khác, dạng thuốc sắc, hãm, cốm.