TÁC DỤNG CỦA ĐÈN HỒNG NGOẠI TRONG ĐIỀU TRỊ

   Việc sử dụng đèn hồng ngoại để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý có liên quan đến đau ngày càng phổ biến bởi sự tiện dụng mà đèn hồng ngoại mang lại so với các phương thức điều trị bằng nhiệt khác như: chườm nóng, siêu âm…Do đó, những hiểu biết cơ bản về công dụng, cách dùng và các tai biến có thể có là hết sức cần thiết khi tiến hành điều trị bằng đèn hồng ngoại tại nhà hầu tránh những tác hại đáng tiếc có thể xảy ra.

 

 

  Đèn hồng ngoại trên thị trường có 2 loại: phát quang và không phát quang. Loại phát quang tạo ra các tia hồng ngoại có bước sóng ngắn, loại không phát quang tạo ra các tia có bước sóng dài hơn. Các tia hồng ngoại có bước sóng ngắn sẽ xâm nhập mô sâu hơn các tia có bước sóng dài. Các tia hồng ngoại khi được hấp thụ qua mô cơ thể sẽ sinh ra nhiệt. Chính nhờ hiệu ứng nhiệt này giúp cho đèn hồng ngoại có một số tác dụng sau: giúp giãn mạch tại vùng chiếu tia, làm tăng lượng máu mang oxi và dinh dưỡng đến vùng giãn mạch, tăng chuyển hóa mô tại chỗ và tăng tiết mồ hôi, giảm phù nề. Bên cạnh đó, nếu chiếu tia hồng ngoại có cường độ thấp (nóng nhẹ) sẽ giúp làm xoa dịu các đầu thụ cảm thần kinh có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, tác dụng giảm đau này còn do bởi hiệu quả thư giản cơ tại vùng chiếu do sự tăng nhiệt độ tại chỗ.

  Chính nhờ các công dụng trên mà đèn hồng ngoại thường được sử dụng như là điều trị hỗ trợ cho các trường hợp: đau lưng cơ năng, đau khớp mạn, đau do co cơ vai, gáy; các nhiễm trùng ngoài da, vết thương nông; các trường hợp viêm, phù do ứ trệ tuần hoàn; dùng trước tập vận động giúp cải thiện tầm vận động khớp ở bệnh nhân cứng khớp; các trường hợp bong gân đã qua giai đoạn cấp…

 

Chỉ định sử dụng đèn hồng ngoại

    - Giảm đau, giãn cơ, tăng cường lưu thông máu, ngoại vi.

    - Chống viêm: Mạn tính

    - Sưởi ấm.

 Chống chỉ định sử dụng đèn hồng ngoại

- Vùng da vô mạch, mất cảm giác.

- Các bệnh lý ngoài da cấp tính (đang viêm nóng đỏ, chảy máu).

- Bộ phận sinh dục, mắt.

Cách sử dụng đèn hồng ngoại tại nhà

     - Hướng bóng đèn thẳng góc với vùng da cần chiếu.

    - Khoảng cách từ bóng đèn đến da thường từ 50cm – 70cm tùy mục đích.

     - Thời gian 20 – 30 phút/ 1 lần, ngày có thể chiếu 1 – 2 lần.

     - Kiểm tra và theo dõi vùng da sau khi chiếu đèn.

     - Theo dõi cảm giác và phản ứng của cơ thể.

Sử dụng đèn hồng ngoại tại nhà đúng cách để đạt hiệu quả tốt

 

Một số lưu ý trong quá trình sử dụng đèn hồng ngoại

     - Kiểm tra sự chắc chắn của đèn trước khi chiếu.

     - Chọn loại đèn có lưới bảo vệ để tạo thêm sự an toàn.

     - Tránh để nước bắn vào đèn trong quá trình chiếu đèn.

     - Có thể bị bỏng sau khi chiếu, chườm mát và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí bỏng.

      - Mệt, choáng váng sau chiếu đèn: Nghỉ ngơi theo dõi.

     Mặc dù chiếu đèn hồng ngoại tại nhà thường là một phương pháp an toàn cho mọi người, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn tự sử dụng phương pháp trên. Bác sĩ sẽ là người xác định liệu pháp tốt cho tình trạng của bạn. Nếu gặp phải bất kỳ rủi ro không mong muốn nào trong quá trình sử dụng, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chữa trị kịp thời.

Nguồn: Đông Tây y Trường Xuân tổng hợp