Sự hình thành cục máu đông trong tai biến mạch máu não

 

Tai biến mạch máu thường gặp ở những người bị các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì. Bệnh xảy ra do xơ vữa động mạch, khiến lòng mạch bị hẹp, dễ tạo cục máu đông gây tắc nghẽn.

1. Tai biến mạch máu não là gì?

 

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là một tổn thương tại não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Đột quỵ được chia làm 2 loại:

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn động mạch, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. Nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn còn chưa rõ nguyên nhân. Các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường gặp là:
    • Đột quỵ do huyết khối: Cục máu đông (huyết khối) hình thành trong động mạch ở cổ hoặc não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo tại cục máu đông làm nó lớn lên và hình thành các mảng bám gây tắc mạch máu.
    • Đột quỵ do tắc mạch: Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) di chuyển đến não. Nguồn phổ biến thường là nhịp tim bất thường ở hai buồng phía trên của tim gây rung nhĩ, có thể làm hình thành nên cục máu đông.
  • Đột quỵ do xuất huyết: Xuất huyết có nghĩa chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch (một khu vực mỏng và yếu trên thành động mạch) hoặc bởi có dị dạng của hệ thống mạch máu não. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết não.

2. Sự hình thành huyết khối trong đột quỵ do thiếu máu cục bộ

 

Trong điều kiện bình thường, nội mô mạch máu có các chất chống đông ngăn cản sự kết dính của tiểu cầu và sự hoạt hóa các yếu tố đông máu. Khi lòng mạch có tổn thương sẽ kích hoạt hoạt hóa tiểu cầu và các yếu tố đông máu.

Tiểu cầu hoạt hóa và kết dính sẽ giải phóng ra rất nhiều cytokine và tạo bề mặt phức hợp tương tác với các yếu tố đông máu được hoạt hóa. Trong sự hình thành cục máu đông, thrombin đóng vai trò trung tâm, là cầu nối giữa quá trình hoạt hóa tiểu cầu và quá trình đông máu.

Khi mạng lưới fibrin- tiểu cầu được hình thành sẽ giữ các tế bào hồng cầu và bạch cầu từ đó tạo nên các cục máu đông. Tiến triển của cục máu đông phụ thuộc vào sự cân bằng giữa quá trình đông máu và ly giải huyết khối. Nếu quá trình đông máu diễn ra mạnh hơn, cục máu đông được hình thành nhiều hơn và có khả năng gây tắc mạch máu cao hơn.

3. Đông máu - Ly giải máu, hai quá trình song song tồn tại trong hình thành cục máu đông và xuất huyết não

Sự hình thành cục máu đông trong tai biến mạch máu não
Cục đông máu hình thành trong não

 

Trong cơ thể người luôn tồn tại 2 quá trình là đông máu và ly giải máu. Hai quá trình này diễn ra bình thường sẽ giúp lượng máu lưu hành ổn định trong hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó làm mất cân bằng giữa quá trình đông máu và ly giải máu, các vấn đề về máu sẽ xuất hiện, cùng với các yếu tố thuận lợi về bệnh tật có thể gây tai biến mạch máu. Cụ thể, nếu quá trình đông máu diễn ra mạnh mẽ, lấn át quá trình ly giải máu, cục máu đông sẽ hình thành, từ đó có thể gây ra đột quỵ do thiếu máu não. Quá trình ngược lại diễn ra có thể gây xuất huyết não.

3.1 Quá trình đông máu

 

Có trên 30 yếu tố tham gia vào quá trình đông máu, trải qua các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn thành mạch: Ngay khi mạch máu bị tổn thương thành mạch co lại theo cơ chế phản xạ. Tiểu cầu tụ lại chỗ đó hình thành một nút gọi là cục máu trắng, các tiểu cầu bám dính với nhau và tiết ra một số yếu tố khởi động cho quá trình đông máu, đây được gọi là giai đoạn tự cầm máu . Giai đoạn này có tham gia của yếu tố tiểu cầu V là yếu tố gây kết dính tiểu cầu, yếu tố VI có tác dụng co mạch, yếu tố IX làm giảm tính thấm mao mạch.
  • Giai đoạn huyết tương: Là giai đoạn phức tạp tiến hành trong các mạch máu với sự tham gia của rất nhiều yếu tố. Giai đoạn này trải qua quá trình hình thành thromboplastin, hình thành thrombin tác động lên fibrinogen và cuối cùng là tạo nên các sợi tơ huyết (fibrin ) .
  • Giai đoạn huyết khối đông lại: Bao gồm giai đoạn co cục máu và tiêu cục máu. Sau khi cục máu tồn tại khoảng 3-24 giờ trong điều kiện không có nhiễm khuẩn, nhiệt độ hằng định cục máu sẽ bé dần đi và tan hết do sự phân huỷ của men plasmin được điều hòa bởi một số chất kích thích và ức chế.

Cơ chế đông máu rất phức tạp gồm gồm hai con đường : đường kích hoạt qua tiếp xúc (còn gọi là đường nội sinh) và đường yếu tố mô (đường ngoại sinh). Cả hai con đường đều dẫn đến kích hoạt con đường chung của các yếu tố đông máu như X, thrombin và fibrin.

Vai trò chính của con đường yếu tố mô là hình thành nên nhiều thrombin.

Con đường hoạt hóa tiếp xúc bắt đầu với sự hình thành phức hợp ban đầu trên nền collagen của thành mạch bị tổn thương bởi kininogen cao phân tử, prekallikrein, và yếu tố XII (yếu tố Hageman). Prekallikrein được chuyển thành kallikrein và yếu tố von- Willerbrand

Con đường chung: yếu tố Thrombin có nhiều chức năng khác nhau. Vai trò hàng đầu của nó là chuyển fibrinogen thành fibrin - chất liệu chính của cục máu đông.

3.2 Quá trình ly giải huyết khối

 

Sự ly giải huyết khối là quá trình phá vỡ các liên kết fibrin bởi plasmin. Plasmin được hình thành trong hệ tuần hoàn sẽ làm thoái triển của cả plasminogen trong máu và tại cục huyết khối thành những chất hòa tan được. Tiền chất của plasmin là plasminogen lưu hành trong máu là một enzyme không hoạt động.

Để chuyển plasminogen thành plasmin cần có sự tham gia của các chất có chức năng hoạt hóa plasmin. Tuy nhiên, các chất này lại bị ức chế bởi chất ức chế hoạt hóa plasminogen (PAI) và alpha 2- antiplasmin - có vai trò ức chế các plasmin mới hình thành. Để quá trình ly giải huyết khối diễn ra, quá trình hoạt hóa plasminogen phải mạnh hơn quá trình ức chế bởi PAI và alpha 2- antiplasmin.

Trong cục huyết khối, plasminogen được gắn với fibrin và tiểu cầu. Cấu trúc này làm mất vị trí gắn kết của alpha 2- antiplasmin giúp cho quá trình gắn plasmin vào cục huyết khối hiệu quả hơn.

4. Phòng ngừa tai biến mạch máu não

Sự hình thành cục máu đông trong tai biến mạch máu não
Các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra tai biến mạch máu não: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch

 

  • Điều trị các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra tai biến mạch máu não: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu
  • Thực hiện chế độ ăn uống giảm chất béo, giảm mặn (THA), giảm tinh bột, đường (ĐTĐ). Thay vào đó, người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, thể thao mỗi ngày 30 phút, ngưng thuốc lá, rượu bia, tránh béo phì.
  • Tái khám định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhập viện ngay lập tức để điều trị hiệu quả và hạn chế xảy ra biến chứng.

Trong tai biến mạch máu não, cấp cứu và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Nếu qua thời gian vàng, khả năng gặp biến chứng của người bệnh có thể cao hơn.

Bệnh viện Đa khoa quốc tế VINMEC