Nhiều người cho rằng khô xương khớp là tình trạng chỉ xảy ra ở người già, tuy nhiên quan điểm này không thật sự đúng. Hiện nay khô dịch khớp đang dần bị trẻ hóa do thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh.
1. Tình trạng khô xương khớp là gì?
Để giúp cơ thể dễ dàng chuyển động, bên trong các khớp luôn có sụn bảo vệ kèm theo lớp dịch nhầy bôi trơn và chống sốc. Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó khiến lượng dịch này tiết ra ít đi hoặc biến mất, việc vận động của con người trở nên khó khăn hơn do khô dịch khớp, không còn nhịp nhàng và linh hoạt. Vì vậy khi co, duỗi, vươn tay, bước đi... các khớp phát ra những tiếng lạo xạo, lục cục kèm theo cơn đau nhức khó chịu. Tình trạng này được gọi là khô xương khớp.
Ngày nay bệnh nhân bị khô khớp này không hề hiếm gặp, thường phổ biến ở người cao tuổi, dân văn phòng, người lao động nặng, thừa cân, béo phì, người có lối sống không lành mạnh hay người có tiền sử bị chấn thương khớp.
2. Khô xương khớp có nguy hiểm không?
Khô xương khớp dễ dẫn đến tình trạng đau nhức, tê cứng, khó chịu khi hoạt động, thường gặp nhất ở khớp gối nhưng cũng có thể gặp ở nhiều khớp khác như khớp khuỷu tay, khớp cổ, khớp vai...
Theo đánh giá của các chuyên gia, khô xương khớp không phải là triệu chứng nguy hiểm, không gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Thế nhưng, về lâu dài khô xương khớp có thể sẽ phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe:
- Khô dịch khớp làm hạn chế khả năng vận động các khớp như đi đứng, leo cầu thang, ngồi xuống đứng lên, duỗi chân, cầm nắm... Các hoạt động thường ngày cũng thực hiện khó khăn bởi chân bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi và nhiều lúc bị mất cảm giác.
- Đau nhức kéo dài: Khi bệnh nhân bị khô khớp thì sụn khớp dần bị bào mòn làm lộ ra phần đầu xương, lúc hoạt động 2 đầu xương ma sát với nhau gây nên hiện tượng đau nhức, khó chịu và cơn đau kéo dài không ngớt;
- Nguy cơ biến dạng khớp, teo cơ: Trường hợp bệnh nhân bị khô khớp phát triển nặng có thể gây teo cơ quanh khớp. Nếu khô dịch khớp xuất hiện ở gối có thể gây cong vẹo, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, dễ vấp té;
- Liệt khớp được xem là biến chứng nghiêm trọng nhất khi các khớp dần trở nên khô, cứng, khó vận động, dẫn đến tình trạng liệt suốt đời.
3. Nguyên nhân vì sao các khớp bị khô?
Bệnh khô khớp toàn thân có thể gây nên do một số yếu tố nguy cơ sau đây:
- Khô dịch khớp do lão hóa: Tuổi cao khiến các khớp xương của người bệnh dần bị bào mòn dẫn đến rách bao sụn, biến dạng các tổ chức sụn, gây nên tình trạng khô khớp;
- Do lười vận động: Khi người bệnh lười vận động làm cho các khớp bị hỏng, dễ tổn thương;
- Những người mắc khô khớp thường thuộc độ tuổi 60 trở lên và những người trẻ tuổi không được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất;
4. Dấu hiệu khô khớp là gì?
Tuổi cao, các khớp xương của người bệnh sẽ dần bị bào mòn dẫn đến rách bao sụn, biến dạng tổ chức sụn và gây tình trạng khô khớp. Triệu chứng của bệnh khô khớp giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng, về lâu dài người bệnh để ý sẽ nhận ra một số dấu hiệu bất thường như sau:
- Đau nhức khớp: Người bị khô khớp sẽ cảm nhận thấy cơn đau dữ dội khi thay đổi tư thế một cách đột ngột;
- Khớp phát ra âm thanh khi cử động: dịch bôi trơn khớp không tiết đủ sẽ gây ra tiếng kêu răng rắc khi di chuyển hoặc khi vận động, đây cũng là dấu hiệu khô khớp gối đặc trưng;
Nếu người bệnh cảm nhận rõ những dấu hiệu này thì có thể tình trạng khô khớp đã diễn tiến sang giai đoạn mãn tính, bệnh nhân nên đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ khô khớp, các bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị kịp thời, đảm bảo sự dẻo dai cho xương.
5. Cải thiện và phòng tránh khô dịch khớp
Khô khớp gây không ít phiền toái cho người bệnh, vì vậy việc phòng tránh luôn là vấn đề hàng đầu và được nhiều người quan tâm. Các biện pháp giúp hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện tình trạng khô dịch khớp:
- Nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể ổn định bệnh khô khớp bằng các thuốc giúp phục hồi khớp bị tổn thương. Hiện nay, bệnh nhân có thể tiêm axit hyaluronic nội khớp, thường là tiêm vào khớp gối, vai nhằm cung cấp axit hyaluronic - một thành phần của dịch khớp, giúp bôi trơn khớp, giảm ma sát, giảm xóc, giúp khớp vận động trơn tru. Bệnh nhân có thể tiêm 3 - 5 mũi vào một khớp, mỗi mũi cách nhau 1 tuần.
- Bệnh nhân nên tránh những thực phẩm dầu mỡ, đồ ăn nhanh, rượu bia, chất kích thích. Thay vào đó nên sử dụng những món ăn nhiều chất xơ và vitamin, đặc biệt là canxi;
- Bổ sung canxi đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ bệnh xương khớp, bạn có thể bổ sung từ chế độ ăn, các loại thuốc uống hoặc sử dụng các loại thực phẩm chức năng nhãn hiệu uy tín. Cần bổ sung vitamin D, các khoáng chất khác như: magie, vitamin K hàng ngày qua thực phẩm từ sữa, rau, trái cây để giúp xương chắc khỏe;
Nguồn: Đông Tây y Trường Xuân