1. Tiêu chảy theo y học cổ truyền
Ỉa chảy theo Y học cổ truyền có bệnh danh là Tiết tả. Tiết chỉ tình trạng phân lỏng, loãng, khi đi khi ngừng, số lần đi thưa. Tả là tình trạng phân lỏng loãng, đi xổ ra như dội nước, nhanh và gấp. Thường ỉa chảy có bao gồm cả 2 quá trình trên nên gọi chung là tiết tả.
2. Nguyên nhân tiêu chảy và cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân tiêu chảy bao gồm cả 3 loại: Nội nhân, ngoại nhân và bất nội ngoại nhân:
Nguyên nhân tiêu chảy thứ nhất
Do cảm phải ngoại tà (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Nhiệt) mà chủ yếu là do Thấp làm tỳ vị bị tổn thương, mất chức năng kiện vận, không phân biệt được thanh trọc, thăng giáng thất thường sinh ra Tiết tả.
Nguyên nhân tiêu chảy thứ hai
Do thương thực: Ăn uống không điều độ, ở không thích nghi, làm thức ăn đình trệ lại; hoặc ăn quá nhiều thức ăn béo bổ, sống lạnh làm cho chức năng vận hóa của tỳ vị bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân tiêu chảy thứ ba
Do tỳ vị dương hư, tỳ vị hư yếu hay tỳ vị hư hàn. Khi đó tỳ vị mất chức năng vận hóa làm thức ăn đình trệ, tỳ khí bị hạ hãm, thanh khí không thăng gây ra tiết tả.
Nguyên nhân tiêu chảy thứ tư
Do thận dương hư hoặc mệnh môn hỏa suy: Bệnh lâu ngày hoặc tiết tả kéo dài làm cho thận dương bị tổn thương, không ôn ấm được tỳ dương. Trung dương không đủ không vận hóa được thủy cốc, âm hàn nhiều làm hại tỳ vị gây ra tiết tả.
Nguyên nhân tiêu chảy thứ năm
Do tình chí thất điều làm can khí uất kết, can mộc khắc tỳ thổ. Hoặc do tỳ khí vốn hư yếu, can khí thừa cơ xâm phạm làm hại thêm tỳ khí khiến quá trình vận hóa bị rối loạn gây ra tiết tả.