Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao (Giai đoạn 2022-2025)

Phần thứ nhất

BỐI CẢNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

 Sự cần thiết:

Hiện nay rất nhiều nước sử dụng Y học cổ truyền (YHCT) trong phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng như nâng cao sức khoẻ và xác định YHCT như là một nhân tố quan trọng đảm bảo sự thành công chiến lược chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Việt Nam là nước có nền y học cổ truyền lâu đời. Trước khi nền y học hiện đại hình thành và phát triển ở Việt Nam, YHCT là hệ thống y dược duy nhất, có vai trò và tiềm năng to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có quan điểm kết hợp hai nền y học. Quan điểm kết hợp hai nền y học đã xuyên xuốt trong quá trình hình thành và xây dựng, phát triển nền y học Việt Nam trở thành quan điểm y học cách mạng của Đảng. Ban Bí thư trung ương Đảng đã có Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4/7/2008 “Về việc phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”.

Thực hiện Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2019 “Ban hành Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030” ; Mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, cụ thể:  Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền. Đến năm 2025 có 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bằng YHCT. Tăng tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại ở tất cả các tuyến; Đến năm 2015 tuyến Trung ương đạt 15%; tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 30%. Từ thực tiễn nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng đông y của người dân ngày càng cao YHCT là điều trị có hiệu quả nhiều nhóm bệnh nguy hiểm và phức tạp như: phong tê thấp, bệnh về tiêu hóa, tiết niệu, hư nhược cơ thể, bệnh về hô hấp, phụ khoa, nhi khoa và một số bệnh mạn tính mà lại không gây tác dụng phụ, trong đó các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc chiếm tới 30%, điển hình là châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh, tác động cột sống… Tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đạt hơn 80%.

Chăm sóc sức khỏe (CSSK) là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển của loài người từ thời xa xưa y dược cổ truyền (YDCT) đã ra đời. Con người từ đó đã sử dựng các loại cây, cỏ, bộ phận động vật, khoáng chất … để tăng cường và bảo vệ sức khỏe. Trong xã hội YDCT phát triển do nhu cầu của người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Hội Đông y thành phố Hà Nội hiện đã xây dựng được ở 30 quận, huyện, thị Hội; 17 Hội, chi Hội trực thuộc (539 Hội, chi Hội Đông y xã, phường) với hơn 4.000 hội viên. Hội viên có chuyên môn bao phủ khắp Thành phố với lực lượng đông đảo các y bác sĩ chuyên khoa YHCT, các lương y, lương dược. Trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân có xu hướng ngày càng được nâng cao, phòng bệnh tốt hơn trị bệnh.

Tuy nhiên, các phòng khám YHCT bên cạch mặt tích cực, cũng còn có những hạn chế nhất định về điều kiện hành nghề, về năng lực trình độ chuyên môn, về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn … đặc biệt còn nhiều người hành nghề không phép. Những hạn chế đó làm cho những phòng khám chưa đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Hội Đông y thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển mô hình “Phòng khám YHCT chất lượng cao giai đoạn 2022 – 2025” để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng YHCT phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

II. Cơ sở pháp lý và thực tiễn:

  1. Cơ sở pháp lý:

- Luật Khám, chữa bệnh số: 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội khóa 12;

- Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

-  Chỉ thị số 847/CT-BYT ngày 21/8/2018 của Bộ Y tế về các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

- Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư trung ương Đảng “Về việc phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”;

- Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 25/10/2017 của Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

- Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2019 “Ban hành Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030”

- Quyết định số 122/2008/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số: 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020;

- Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 4/6/2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”;

- Kế hoạch số 52/KH/SYT-HĐY ngày 24/03/2021Về công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển Y Dược cổ truyền thành phố Hà Nội đến năm 2025”.

- Quyết Định số 1893/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030”,

- Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 08/7/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Phát triển Y, Dược cổ truyền, kết hợp Y dược cổ truyền với Y học hiện đại thành phố đến năm 2030”;

  1. Cơ sở thực tiễn:

- Mô hình bệnh tật có sự thay đổi. Đó là mô hình kép: Bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong các bệnh lý không lây nhiễm, là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Nguyên nhân hàng đầu liên quan đến nhận thức, thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng không hợp lý.

- Sử dụng thuốc tây y chủ yếu trong tình trạng bệnh cấp tính và thường có nhiều tác dụng phụ. Giai đoạn bệnh ổn định và phục hồi hoặc các bệnh mãn tính thì thuốc Đông y lại có hiệu quả tốt. Do vậy sự kết hợp YHCT với YHHĐ ngày càng chặt chẽ và phát huy kết quả tốt. Nhu cầu khám chữa bệnh bằng YHCT ngày càng được nhiều người tin dùng.

- Các phòng khám YHCT hiện nay chưa phát huy hết khả năng chuyên môn, còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải được nghiên cứu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh đáp ứng tốt hơn nhu khám chữa bệnh của người dân. 

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG MÔ HÌNH PHÒNG KHÁM YHCT

I. Mô hình phòng khám YHCT hiện tại:

- Theo báo cáo tổng hợp tháng 3 năm 2022 tổng số có 4.029 hội viên, trong đó có 3.146 hội viên (theo số liệu báo cáo quý 1/2022) được cấp thẻ, bao gồm: Giáo sư, Phó giáo sư (6); Tiễn sĩ, thạc sĩ (82); Bác sĩ chuyên khoa I,II (71), Bác sĩ (391), y sĩ (1.321), Lương y gia truyền (450), Lương y đa khoa (511), Chuyên môn khác (915).

- Phòng khám YHCT hiện nay có 02 hình thức: Phòng khám chuyên khoa YHCT và phòng chẩn trị YHCT. Tổng số có 734 phòng khám YHCT được cấp phép (Phòng khám YHCT công lập 310, Phòng khám YHCT tư nhân 424). Ngoài ra còn nhiều phòng khám chưa được cấp phép.

- Mỗi phòng khám có 01 cán bộ y tế chịu trách nhiệm chuyên môn:

+ Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 54 tháng đối với bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền;

+ Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 48 tháng đối với y sỹ chuyên khoa y học cổ truyền;

+ Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 36 tháng đối với lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

II. Chất lượng phòng khám YHCT hiện tại:

- Các phòng khám YHCT được cấp phép hoạt động đều được Sở Y tế thẩm định và cơ bản đạt tiêu chuẩn theo các quy định chuyên môn.

- Nhiều phòng khám có số lượng bệnh nhân đến khám đông, có chất lượng chuyên môn tốt. Không có tai biến lớn, nguy hiểm.

- Cơ cấu bệnh tật: Đa số là các bệnh nhân có bệnh mãn tính về cơ xương khớp, tiểu đường, cao huyết áp nhẹ, bệnh về thần kinh và phục hồi chức năng, bệnh hệ tiêu hóa.

- Tuy nhiên còn nhiều hạn chế:

+ Nhiều phòng khám hoạt động chưa có giấy phép và cán bộ chuyên môn chưa có chứng chỉ hành nghề.

+ Chưa có danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt.

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế xuống cấp.

+ Cán bộ chuyên môn ít được đào tạo tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn.

+ Quảng cáo không phép và quá giới hạn phạm vi hành nghề.

+ Chất lượng thuốc không đảm bảo theo quy định.

+ Quy trình kỹ thuật làm cho bệnh nhân không chuẩn xác.

+ Không công khai niêm yết bảng giá thuốc, thủ thuật…

Phần thứ ba

KHÁI NIỆM, TIÊU CHUẨN, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Khái niệm:

  1. Khái niệm phòng khám YHCT:

Là cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa YHCT, bao gồm cả phòng chẩn trị YHCT (sau đây gọi chung là phòng khám YHCT) được cấp phép hoạt động.

Khám chữa bệnh bằng YHCT là sử dụng những kiến thức, thái độ và phương pháp thực hành trong y học liên quan đến những thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật hay khoáng chất, các liệu pháp tinh thần, các bài tập, các kỹ năng bằng tay được áp dụng để chẩn đoán, điều trị để ngăn ngừa bệnh tật hoặc duy trì sức khỏe của con người.

  1. Khái niệm phòng khám YHCT chất lượng cao:

Là phòng khám YHCT tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chuyên môn và y đức, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tiện nghi và chuyên môn thường xuyên được cập nhật kiến thức mới đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao.

II. Tiêu chuẩn phòng khám YHCT chất lượng cao:

  1. Tiêu chuẩn pháp lý:

- Phòng khám YHCT được cấp phép hoạt động.

- Cán bộ y tế làm việc tại phòng khám được cấp chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn YHCT.

- Có đầy đủ hồ sơ sổ sách về khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, các sản phẩm YHCT và xử lý chất thải Y tế.

  1. Tiêu chuẩn chuyên môn:

- Cán bộ y tế làm việc tại phòng khám:

+ Có trình độ chuyên môn đúng chuyên khoa YHCT.

+ Được cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên theo đúng quy định của Bộ Y tế.

+ Có kinh nghiệm và thâm niên công tác.

- Có danh mục kỹ thuật được Sở y tế phê duyệt đạt 80% trở lên theo danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế.

- Có quy trình kỹ thuật chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

- Cơ sở vật chất: Đủ các phòng chuyên môn đạt tiêu chuẩn.

- Trang thiết bị y tế đầy đủ và hiện đại.

- Có quy trình xử lý chất thải y tế đúng quy định.

- Thuốc và các sản phẩm YHCT có nguồn gốc xuất sứ và được đăng ký sử dụng.

  1. Tiêu chuẩn phục vụ:

- 90% trở lên bệnh nhân hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh của phòng khám (khảo sát thực tế).

- Không có đơn thư phản ánh về tinh thần thái độ và sai sót chuyên môn của cán bộ nhân viên phòng khám.

- Có thư khen của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân.

III. MỤC TIÊU:

2.1. Mục tiêu chung:

Xây dựng và phát triển Mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao nhằm nâng cao cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bằng YHCT cơ bản, đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; thuận lợi và hiệu quả cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao sự hài lòng của người bệnh đến khám chữa bệnh tại phòng khám YHCT chất lượng cao từ 80 – 95%, trên cơ sở người bệnh được hưởng thụ dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc và các sản phẩm YHCT chất lượng tốt nhất.

- Tăng bình quân một năm 10-15% số lượng người bệnh đến khám chữa bệnh bằng YHCT, từ đó sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đồng thời kiết kiệm chi phí cho người bệnh.

- Xây dựng bình quân một năm 3-5 phòng khám YHCT chất lượng cao tại các quận, huyện của Hà Nội, tạo sức lan tỏa và nhân rộng mô hình tại Hà Nội và cả nước.

IV. Phạm vị thực hiện Đề án:

Đề án xây dựng và phát triển Mô hình phòngkhám YHCT chất lượng cao được thực hiện tại các phòng khám chuyên khoa YHCT, phòng Chẩn trị YHCT thuộc các Quận/huyện Hội và các Chi hội trực thuộc Hội Đông y thành phố Hà Nội.

Phần thứ tư

CÁC HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN CỦA ĐỀ ÁN

I. Thông tin truyền thông:

  1. Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước:

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các văn bản của Đảng, Nhà Nước về phát triển YHCT trên trang Web, Bản tin của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Bao gồm:

- Tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quyết định của Chính phủ, UBND thành phố về tổ chức và hoạt động của Hội để cán bộ hội viên biết và nghiêm túc thực hiện.

- Tuyên truyền các văn bản của ngành y tế về tổ chức và hoạt động chuyên môn của phòng khám chuyên khoa YHCT, bao gồm các quy định, quy trình, phạm vi hoạt động của chứng chỉ và giấy phép hoạt động chuyên môn.

- Tuyên truyền các văn bản quy định về đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn thuộc phạm vi của YHCT.

  1. Tổ chức truyền thông về mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao:

Vai trò ý nghĩa, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực, lợi ích, năng lực và khả năng cung ứng dịch vụ y tế của các phòng khám YHCT chất lượng cao.

  1. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao kiến thức người dân:

 Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu biết về YHCT để người dân đồng tình hưởng ứng và tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe bằng YHCT, đặc biệt là sử dụng khám chữa bệnh bằng YHCT.

II. Tuân thủ các điều kiện pháp lý:

  1. Tuân thủ các quy định pháp lý về chuyên môn:

- Phòng khám được tổ chức và hoạt động đúng theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 1tháng 11 năm 2011 về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản liên quan.

- Cán bộ chuyên môn phải được cấp chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề theo các quy định của Bộ Y tế.

- Nghiêm cấm quảng cáo và tổ chức các hoạt động chuyên môn vượt quá phạm vi hành nghề đã được cấp phép.

- Tuân thủ các quy trình, quy định chuyên môn khi khám chữa bệnh bằng YHCT.

  1. Tuân thủ các quy định pháp lý về an toàn và vệ sinh môi trường:

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là hệ thống điện an toàn.

-  Xây dựng và thực hiện đúng quy trình, quy định về xử lý chất thải y tế theo quy định của bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường.

  1. Kiện toàn, bổ sung ngay khi có sự thay đổi:

- Xây dựng và thực hiện quy chế tự kiểm tra, rà soát các điều kiện pháp lý theo tháng, quý, năm và đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời tình huống phát sinh theo đúng các quy định pháp luật.

- Khi các quy định có sự thay đổi phải nghiên cứu kiện toàn, bổ sung ngay.

III. Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị:

  1. Cơ sở vật chất:

+ Đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất phòng khám đạt quy định tối thiểu của Bộ Y tế. Địa điểm mở phòng khám cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình và phải có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, khám bệnh,        chữa  bệnh, phục hồi chức năng.

+ Phòng khám được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà    phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh; có buồng khám bệnh, chữa bệnh diện tích ít nhất là 10m2 và nơi đón                          tiếp người bệnh.

+ Ngoài ra, nếu có giường châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có diện tích ít nhất 05 m2/giường bệnh. Nếu có xông hơi thuốc thì phải có buồng xông hơi, diện tích ít nhất là 02m2/buồng. Nếu có bào chế một số dạng đóng gói sẵn thì phải được Sở Y tế thẩm định, xem xét cho phép.

+ Bảo đảm xử lý rác thải y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô   trùng đối với buồng thực hiện thủ thuật. Bảo đảm có đủ điện, nước, khu vệ sinh và các điều kiện khác để phục     vụ chăm sóc người bệnh.

  1. Thiết bị y tế:

+ Nếu thực hiện việc khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc: Có tủ thuốc, các vị thuốc được đựng trong ô kéo hoặc trong chai lọ có nắp và ghi rõ tên vị thuốc ở bên ngoài; có cân thuốc và phân chia các vị thuốc theo thang.

+ Nếu thực hiện việc châm, cứu, xoa bóp day ấn huyệt: Có giường châm, cứu, xoa bóp day ấn huyệt; có đủ dụng cụ để châm, cứu, xoa bóp day ấn huyệt, đèn hồng ngoại; có đủ dụng cụ và hướng dẫn xử lý vượng châm.

+ Nếu thực hiện xông hơi thuốc: Có hệ thống tạo hơi thuốc.

IV. Nâng cao chất lượng chuyên môn:

  1. Luôn trau dồi y đức:

- Tiếp tục trau rèn, nâng cao y đức; trước hết là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, để mỗi cán bộ, nhân viên y tế tự giác rèn luyện, thấm sâu và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

- Đồng thời tích cực, chủ động ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vụ lợi, vi phạm y đức; những “con sâu làm rầu nồi canh”.

- Trong quá trình khám bệnh, điều trị, người bệnh và thân nhân cũng cần có thái độ đúng mực, tôn trọng, tạo thuận lợi để cán bộ, nhân viên y tế thực hiện tốt các quy định về y đức.

  1. Đào tạo, tập huấn chuyên môn:

- Rá soát thống kê trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ hành nghề tại các phòng khám chuyên khoa YHCT.

- Phối hợp các trường đào tạo cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với bằng cấp đã được đào tạo. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp cập nhật kiến thức chuyên môn theo quy định của Bộ y tế.

- Phối hợp với các Trường, các Học viện YHCT để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền tạo ra các sản phẩm mới về YHCT phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Xây dựng và tổ chức các hội thảo chuyên đề và tổ chức các hội nghị khoa học về YHCT để trao đổi và cập nhật kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên làm việc tại các phòng khám.

  1. Danh mục và quy trình kỹ thuật:

- Xây dựng danh mục kỹ thuật phù hợp với khả năng chuyên môn của phòng khám.

- Danh mục kỹ thuật được Sở Y tế thẩm định phê duyệt theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Có ban hành quy trình kỹ thuật chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

V. Quản lý thuốc và các sản phẩm YHCT:

  1. Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng:

Thuốc và các sản phẩm YHCT sử dụng tại phòng khám phải có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng.

  1. Được bảo quản đúng quy định:

Kho bảo quản thuốc và các sản phẩm YHCT phải đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ và độ ẩm, chống côn trùng, chống ẩm, mốc …

Kho phải được sắp xếp gọn gàng, theo từng loại, dễ dàng tìm kiếm và kiểm tra.

Kho phải có khóa an toàn.

  1. Có hồ sơ theo dõi đầy đủ:

Tất cả thuốc và các sản phẩm YHCT đều phải có đầy đủ hồ sơ, gồm: Hồ sơ cung ứng, sổ và phiếu xuất nhập, sổ kiểm kê …

VI. Tăng cường kiểm tra giám sát:

- Thành Hội tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát để kiểm tra các phòng khám YHCT chất lượng cao trên địa bàn thành phố.

- Hội, Chi hội thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các phòng khám YHCT chất lượng cao của đơn vị mình.

- Các phòng khám YHCT chất lượng cao tự kiểm tra, giám sát các hoạt động của phòng khám theo các tiêu chuẩn đã được ban hành.

Việc kiểm tra, giám sát được tiến hành định kỳ theo kế hoạch và đột xuất khi cần thiết.

VII. Ứng dụng công nghệ thông tin:

  1. Xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử YHCT:

Từng bước xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử để áp dụng trong các phòng khám YHCT chất lượng cao trên toàn thành phố. Các thông tin bệnh án được bảo mật và phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng.

  1. Xây dựng phần mền tin học quản lý phòng khám:

Xây dựng phần mềm tin học quản lý hoạt động các phòng khám YHCT chất lượng cao. Các thông tin quản lý phòng khám được bảo mật và phục vụ cho công tác quản lý phòng khám YHCT chất lượng cao.

Phần thứ năm

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Các Ban thuộc văn phòng Hội:

  1. Ban chuyên môn:

- Là bộ phận thường trực để xây dựng Kế hoạch triển khai và hướng dẫn các đơn vị thực hiện mô hình này đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đề ra và đúng tiến độ.

- Chủ trì tổ chức các hội nghi, hội thảo khoa học, nghiên cứu khoa học và tập huấn chuyên môn để nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh tại các phòng khám YHCT chất lượng cao.

- Phối hợp với đơn vị có đủ điều kiện để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm việc tại các phòng khám YHCT chất lượng cao.

- Phối hợp các Ban liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị triển khai mô hình. Trên cơ sở đó đánh giá chất lượng, hiệu quả của mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao.

- Đề xuất phân công cán bộ các Ban phụ trách theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện.

- Chủ trì phối hợp Ban Tổ chức hành chính và Ban thông tin tuyên truyền xây dựng tiêu chí được công nhận là phòng khám YHCT chất lượng cao.

  1. Ban tổ chức hành chính:

- Chủ trì hướng dẫn các Hội Đông y Quận, Huyện, Thị xã, các Chi hội trực thuộc đăng ký xây dựng mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao.

- Hướng dẫn các đơn vị đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bi y tế đáp ứng tiêu chuẩn của phòng khám YHCT chất lượng cao.

- Phối hợp Ban Chuyên môn xây dựng tiêu chí được công nhận là phòng khám YHCT chất lượng cao.

- Chủ trì phối hợp các Ban nghiên cứu đề xuất Thành Hội khen thưởng và cấp Giấy chứng nhận “Phòng khám YHCT chất lượng cao” cho các phòng khám đã đăng ký và kiểm tra đạt các tiêu chuẩn.

  1. Ban truyền thông:

 - Phối hợp các Ban để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao trên Bản tin, trang Website của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chủ trì phối hợp các Ban và các đơn vị nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin (Xây dựng bệnh án điện tử và phần mềm tin học quản lý phòng khám) vào mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao.

- Tuyên truyền các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai xây dựng mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao trên Bản tin, trang Website của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp Ban Chuyên môn xây dựng tiêu chí được công nhận là phòng khám YHCT chất lượng cao.

II. Quận, huyện Hội và Chi Hội trực thuộc:

- Căn cứ theo mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao của Thành hội các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị để triển khai tới các cán bộ hội viên của đơn vị mình.

- Phổ biến quán triệt mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao tới toàn thể cán bộ hội viên để biết và triển khai thực hiện.

- Tổ chức cho các cán bộ hội viên có phòng khám YHCT đã được cấp phép hoạt động đăng ký xây dựng mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao. Trước mắt, mỗi đơn vị đăng ký xây dựng 01 phòng khám YHCT chất lượng cao để tập trung chỉ đạo hoàn thành năm 2022.

III. Các phòng khám YHCT:

- Căn cứ theo mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao của Thành Hội, các phòng khám YHCT xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, báo cáo đơn vị mình để đăng ký mô hình Phòng khám chất lượng cao lên Thành Hội.

- Các phòng khám YHCT đã đăng ký chủ động triển khai các nội dung của mô hình phòng khám YHCT chất cao theo đúng các tiêu chuẩn của mô hình.

Phần thứ sáu

HIỆU QUẢ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

I. Hiệu quả kinh tế:

- Mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao được tổ chức theo địa bàn dân cư, tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh thuận tiện, hiệu quả và giảm chi phí đi kèm khi khám chữa bệnh của người dân.

- Giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên, giảm kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào phát triển thêm các bệnh viện công.

II. Hiệu quả xã hội:

- Người dân được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao tại cơ sở, thuận tiện và hiệu quả, tạo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

- Góp phần xóa đói giảm nghèo, đây là chính sách an sinh lớn của Đảng và Nhà nước.

- Mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tuyến y tế cơ sở, tạo niềm tin của người dân vào chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phần thứ bảy

KIẾN NGHỊ

I. Kiến nghị Bộ Y tế:

- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các thầy thuốc y học cổ truyền vì đa số thầy thuốc hành nghề trong lĩnh vực này có trình độ chuyên môn còn hạn chế.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về YHCT và sự phát triển của YHCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân để nhân dân tin và sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh bằng YHCT.

- Sớm ban hành bộ tiêu chí chung cho phòng khám YHCT chất lượng cao thống nhất áp dụng trong toàn quốc.

- Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ người dân được hưởng BHYT khi thăm khám chữa bệnh tại các phòng khám YHCT được cấp phép hoạt động tại tuyến y tế cơ sở.

II. Kiến nghị UBND thành phố Hà Nội:

- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các UBND quận huyện thị xã quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí và trụ sở cho các cấp Hội Đông y hoạt động và phát trển.

- Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển mô hình phòng khám YHCT chất lượng cao tại địa phương để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

- Đề nghị UBND Thành phố tăng cường chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền về YHCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Bảo hiểm XH thành phố và các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho người dân được hưởng BHYT khi đến khám chữa bệnh tại phòng khám YHCT chất lượng cao.

PHỤ LỤC: TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ PHÒNG KHÁM YHCT CHẤT LƯỢNG CAO

TIÊU CHÍ

NỘI DUNG TIÊU CHÍ

ĐIỂM

 

TIÊU CHÍ VỀ PHÁP LÝ

30

Tiêu chí 1

Phòng khám YHCT được cấp phép hoạt động của SYT hoặc BYT

05

Tiêu chí 2

Nhân sự tham gia làm việc tại phòng khám được cấp chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn YHCT

05

Tiêu chí 3

Biển hiệu, quảng cáo và truyền thông của phòng khám đúng quy định không vượt quá phạm vi hành nghề đã được cấp phép.

05

Tiêu chí 4

Tổ chức các hoạt động chuyên môn đúng theo quy định

05

Tiêu chí 5

Tuân thủ các quy định pháp lý về an toàn và vệ sinh môi trường

05

Tiêu chí 6

Xây dựng và thực hiện quy chế tự kiểm tra, rà soát các điều kiện pháp lý theo tháng, quý, năm và đột xuất (nếu có) để xử lý kịp thời theo đúng các quy định pháp luật

05

 

TIÊU CHÍ VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

20

Tiêu chí 7

Địa điểm phòng khám cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình

05

Tiêu chí 8

Phòng khám được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà    phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh; có buồng khám bệnh, chữa bệnh diện tích ít nhất là 10m2 và nơi đón         tiếp người bệnh (02 điểm);

+ Nếu có giường châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có diện tích ít nhất 05 m2/giường bệnh (02 điểm);

+ Nếu có xông hơi thuốc thì phải có buồng xông hơi, diện tích ít nhất là 02m2/buồng (0,5 điểm);

+ Nếu có bào chế một số dạng đóng gói sẵn thì phải theo đúng quy định (0,5 điểm);

05

Tiêu chí 9

Bảo đảm vô trùng đối với buồng thực hiện thủ thuật.

05

Tiêu chí 10

Bảo đảm xử lý rác thải y tế theo quy định (2,5 điểm);

Bảo đảm có đủ điện, nước, khu vệ sinh và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh (2,5 điểm),

05

 

TIÊU CHÍ VỀ CHUYÊN MÔN

30

Tiêu chí 11

Có trình độ chuyên môn đúng chuyên khoa YHCT; Có kinh nghiệm và thâm niên công tác; Được cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên theo đúng quy định của Bộ Y tế.

05

Tiêu chí 12

Danh mục kỹ thuật của phòng khám theo quy định

05

Tiêu chí 13

Tuân thủ quy định về khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, vật tư y tế.

05

Tiêu chí 14

Tuân thủ quy định về kê đơn thuốc đảm bảo hợp lý, an toàn.

05

Tiêu chí 15

Trang thiết bị y tế đầy đủ và hiện đại

05

 

TIÊU CHÍ VỀ PHỤC VỤ

20

Tiêu chí 16

Sự hài lòng của khách hàng /bệnh nhân (Không hài lòng 0 điểm; Hài lòng 3 điểm; Rất hài lòng 5 điểm)

05

Tiêu chí 17

Có đầy đủ hồ sơ sổ sách về khám chữa bệnh theo quy định

05

Tiêu chí 18

Phòng khám không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh

05

Tiêu chí 19

 Không có đơn thư phản ánh về tinh thần thái độ và sai sót chuyên môn của cán bộ nhân viên phòng khám.

05

 

TỔNG CỘNG

100

Phòng khám YHCT chất lượng cao: ≥ 90 điểm.