Chương trình “Tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết bằng YHCT”

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2023 cả nước đã ghi nhận 172.000 ca mắc Sốt xuất huyết, trong đó có tới 43 người đã tử vong cả ở người lớn và trẻ em. Năm nay, nếu không có các giải pháp quyết liệt, kịp thời, mùa dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến rất phức tạp.

Những số liệu thống kê trên được đưa ra trong buổi tập huấn cập nhật, chẩn đoán, điều trị sốt xuât huyết bằng YHCT Ngày 16/5/2024 của Hội Đông y Thành phố Hà Nội tổ chức. Mục tiêu của buổi tập huấn nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền đặc biệt là công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại nhà cho người dân nhằm kiểm soát và giảm thiểu số người mắc bệnh này. Tham dự có lãnh đạo Hội Đông y Việt Nam, Hội Đông y TP Hà Nội; Chi hội BVĐK YHCT Hà Nội, Bệnh viện YHCT Hà Đông,  cán bộ, hội viên Hội Đông y các quận, huyện và các Chi hội trực thuộc.

Lương y Nguyễn Tiến Phúc, Phó Chủ tịch Hội, Trưởng Ban kiểm tra Hội, Chủ tịch Hội Đông y quận Nam Từ Liêm cho biết: Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Điều này không có nghĩa là người từng bị sốt xuất huyết có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại. Vì vậy, một người có thể sẽ bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần. Vi rút Dengue lây lan qua người chủ yếu do muỗi cái thuộc giống Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti. Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2023 cả nước đã ghi nhận 172000 ca mắc SXH, trong đó có tới 43 người đã tử vong. Các cụ ngày xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và ngày hôm nay Trong buổi tập huấn này sẽ giúp mọi người hiểu thêm khái niệm, nguyên nhân gây bệnh Sốt xuất huyết là gì? Phân loại, triệu chứng, các giai đoạn và phương pháp điều trị và phòng bệnh sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền.

 

Tại buổi tập huấn Bác sĩ CK1. Chu Hải Đăng cho biết: Bệnh sốt xuất huyết có thể bị quanh năm chứ không chỉ bị vào mùa mưa nên người dân không được chủ quan. Những ca bệnh bị sốt xuất huyết nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ sớm khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe. Việc phát hiện các dấu hiệu sốt xuất huyết sớm và có phương pháp điều trị đúng sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị biến chứng nặng.

Phát biểu tại buổi tập huấn Bà Bùi Phương Hoa, Trưởng Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Trường Xuân chia sẻ:  hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue; biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ được trứng. Thả cả hoặc con mê sô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng. Vệ sinh các dụng cụ chứa nước nhỏ thường xuyên như: Xô, chậu, lu, khạp,…; Phát quang vườn rậm và thu gom các vật dụng phế thải có thể chứa nước dễ chứa lăng quăng như chai, lọ mảnh chai, lon, vỏ dừa, bình đựng hoa cúng, bánh xe vứt bỏ,…; Ngăn ngừa muỗi sinh sản: Phòng muỗi đốt bằng các cách như: Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, ngủ trong mùng kể cả ban ngày. Xua đuổi muỗi vào nhà bằng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua đuổi muỗi, bắt muỗi bằng vợt điện muỗi,…; Sử dụng rèm che cửa có tẩm hóa chất diệt muỗi. Phối hợp với chính quyền để phun đủ các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Phòng lây lan dịch từ người bệnh, không để người bệnh sốt xuất huyết bị muỗi cắn bằng cách cho người bệnh ngủ trong màn. Đồng thời nhấn mạnh chìa khóa để phòng, chống sốt xuất huyết là sự tham gia của cộng đồng..

Bà Bùi Phương Hoa- Trưởng Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Trường Xuân phát biểu vê cách phòng bệnh sốt xuất huyết tại buổi tập huấn

 

Tại buổi tập huấn các hội viên tham gia lớp tập huấn rất hang say phát biểu, chia sẻ những kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị thực tế, các yếu tố dịch tễ hiện tại đối với bệnh Sốt xuất huyết cũng như cập nhật những phác đồ điều trị Sốt xuất huyết mới nhất bằng Y học cổ truyền.

Những thông tin cập nhật trong lớp tập huấn lần này sẽ giúp cán bộ y tế ở các khoa phòng nâng cao năng lực chuyên môn để chẩn đoán và xử trí tốt hơn các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết không chỉ trong bệnh viện, phòng khám mà còn cả trong cộng đồng và đặc biệt là cách phòng bệnh tốt nhất cho người dân và cộng đồng.