HỘI ĐÔNG Y THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỚI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ ỨNG DỤNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Hội Đông y thành phố Hà Nội được thành lập ngày 07 tháng 11 năm 1960, Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đến nay, Hội có 48 tổ chức đầu mối, gồm 30 hội Đông y quận, huyện, thị xã và 18 chi hội trực thuộc. Hội có 4.348 hội viên, trong đó có 1.166 hội viên được cấp chứng chỉ hành nghề và 414 phòng khám chuyên khoa YHCT được cấp phép hoạt động. Hội thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là khám, chữa bệnh, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền, nghiên cứu khoa học và làm công tác từ thiện. Mỗi năm Hội tổ chức khám, chữa bệnh 2,0 – 2,5 triệu lượt bệnh nhân; phối hợp tổ chức đào tạo 200 – 250 Y sỹ YHCT và đào tạo hàng trăm học viên y học cổ truyền trình độ sơ cấp; tổ chức 5 – 6 hội thảo khoa học/năm. Ngoài ra, hàng năm Hội còn tổ chức công tác khám, chữa bệnh từ thiện và cấp thuốc miễn phí cho 25 – 30 nghìn người thuộc đối tượng chính sách là thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, người nhiễm chất độc da cam, người khiếm thị ...

TẠI HỘI THẢO

TTND.Ths.Bs Nguyễn Văn Dung tham luận: Hội đông y thành phố Hà Nội với đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ

 

 

Hội Đông y có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền:

1. Xác định nhu cầu về đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong Đông y...

2. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến từ y học hiện đại áp dụng vào Đông y…

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ...

4. Hợp tác và liên kết với các bên liên quan: đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp liên quan để thúc đẩy đổi mới và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền…

5. Hội Đông y hội tụ hầu hết các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về Đông y…

Tóm lại, Hội Đông y đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền trên cơ sở bảo tồn, kế thừa và phát triển y học cổ truyền bằng cách thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và hợp tác với các bên liên quan.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong y học cổ truyền đang phải đối mặt với một số khó khăn và hạn chế nhất định, cần được nghiên cứu xác định nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng và có giải pháp khác phục.

1. Khó khăn về tài chính: Đây là một vấn đề rất quan trọng và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và chất lượng của đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ ở Hội Đông y. Hội được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, nhưng chủ yếu cho hoạt động văn phòng Hội. Hội không được hỗ trợ ngân sách cho các hoạt động về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Việc tìm kiếm và thu hút nguồn tài trợ từ lĩnh vực tư nhân và quốc tế còn khó khăn và phức tạp.

Khó khăn về tài chính trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết từ Chính phủ và các nhà tài trợ. Đông y cũng là lĩnh vực cần được quan tâm đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, tăng cường hỗ trợ tài chính cho Hội để nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác quốc tế là những giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng nghiên cứu, đóng góp vào sự tiến bộ khoa học và công nghệ. Trong đó việc thành lập một quỹ quốc gia cho hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ, kèm theo có một cơ chế đặc thù cho việc sử dụng tài chính là rất cần thiết.

2. Thiếu hụt cơ sở hạ tầng: Thiếu cơ sở vật chất để triển khai mở rộng các hoạt động khám, chữa bệnh; thiếu phòng thí nghiệm được trang bị công nghệ tiên tiến và trang thiết bị hiện đại như máy móc chuyên dụng, thiết bị phân tích, máy tính mạnh, các thiết bị đo lường chính xác và còn thiếu thư viện (cơ sở lưu trữ quốc gia) về lĩnh vực Đông y. Đây cũng là một trong những khó khăn chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nghiên cứu đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển gia công nghệ của Hội Đông y.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt về cơ sở hạ tầng như trên, điều quan trọng là nhận ra tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng để đầu tư cải thiện tình trạng này. Chính phủ và các tổ chức cần đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao và khuyến khích hợp tác quốc tế để nâng cao khả năng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ.

3. Khó thu hút các chuyên gia và tài năng nghiên cứu:

Các chuyên gia và tài năng nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ, giải quyết các vấn đề và thách thức phức tạp của xã hội, tạo ra giá trị kinh tế và xã hội. Sự đóng góp của họ không chỉ hỗ trợ sự phát triển bền vững của Đông y mà còn giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc thu hút các chuyên gia và tài năng nghiên cứu. Do một số lý do chính như mức lương và các phúc lợi được cung cấp cho các chuyên gia và tài năng nghiên cứu không có tính hấp dẫn và cạnh tranh. Cơ sở hạ tầng và điều kiện nghiên cứu không đáp yêu cầu của các chuyên gia và tài năng nghiên cứu.

Để cải thiện tình hình và thu hút các chuyên gia và tài năng nghiên cứu trong lĩnh vực Đông y, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp về chính sách như tăng mức lương và phúc lợi hấp dẫn, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo ra môi trường đổi mới và hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cải thiện điều kiện sống và tăng cường hợp tác và liên kết với các tổ chức và trường đại học có uy tín cũng sẽ giúp nâng cao sự hấp dẫn của các chuyên gia và tài năng nghiên cứu trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ.

4. Hạn chế về quản lý rủi ro: Trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ có thể gặp các rủi ro về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, thiên tai và cạch tranh với y học hiện đại đang cản trở đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ. Hiện nay chúng ta đang gặp một số hạn chế và thách thức như: Thiếu nhận thức và nhận định về quản lý rủi ro, thiếu cơ chế và quy trình quản lý rủi ro, thiếu dữ liệu và thông tin đáng tin cậy và còn khó khăn trong ứng dụng quản lý rủi ro vào thực tế.

Để vượt qua những khó khăn trên, cần có những nỗ lực từ Chính phủ và các bên liên quan để cải thiện nhận thức, xây dựng cơ chế và quy trình quản lý rủi ro, cải thiện thu thập thông tin và dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng quản lý rủi ro vào thực tế, đào tạo và phát triển nhân lực có kỹ năng và năng lực trong lĩnh vực này.

5. Môi trường văn hóa: Văn hóa đóng vai trò then chốt trong quá trình nhận thức và ý thức về vai trò của Đông y trong chăm sóc sức khỏe nói chung và đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ nói riêng. Bằng cách khuyến khích sự sáng tạo, học hỏi, chia sẻ kiến thức và tinh thần tiên phong, văn hóa sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững của tổ chức và quốc gia. Nhưng hiện nay văn hóa còn thể hiện sự thiếu lòng tin và sợ thất bại, không muốn đổi mới sáng tạo, thiếu tinh thần hợp tác và chia sẻ kiến thức. Điều này có thể làm giảm tiềm năng các hoạt động đổi mới sáng tạo và cản trở việc chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.

Để vượt qua những khó khăn và hạn chế này, cần có sự thay đổi và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ. Điều này bao gồm việc thay đổi thái độ và tư duy, tạo môi trường học tập và chia sẻ kiến thức, tăng cường hỗ trợ và đầu tư từ cơ quan Chính phủ, khuyến khích hợp tác và chia sẻ giữa các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng.

6. Liên kết với các doanh nghiệp còn hạn chế:

Hội Đông y liên kết với các doanh nghiệp là tạo ra một môi trường hỗ trợ và thúc đẩy cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền. Bằng cách hợp tác chia sẻ kiến thức và tài chính. Tuy nhiên, khi liên kết với các doanh nghiệp, Hội Đông y cũng phải đối diện với một số khó khăn và thách thức.

Sự khác biệt văn hóa và triết lý kinh doanh: Hội Đông y thường có triết lý và quan điểm văn hóa khác biệt so với các doanh nghiệp. Trong khi Hội Đông y chú trọng đến bảo tồn và phát triển y học cổ truyền với mục tiêu hướng tới sức khỏe cộng đồng, còn các doanh nghiệp lại tập trung vào lợi nhuận và mục tiêu kinh doanh. Điều này có thể tạo ra sự không đồng thuận và khó khăn trong việc định hướng và mục tiêu chung trong quá trình liên kết và hợp tác.

Tiếp theo là khó khăn trong việc tạo ra giá trị thương mại: Các sản phẩm và dịch vụ y học cổ truyền khi được cung cấp phải đảm bảo chất lượng và chuẩn mực theo quy định. Điều này có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra giá trị thương mại và cạnh tranh với các sản phẩm và dịch vụ y học hiện đại.

Để tối ưu hóa sự liên kết và hợp tác đòi hỏi Hội Đông y phải tìm cách tạo ra giá trị gia tăng, quản lý chất lượng, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của các sản phẩm và dịch vụ Đông y để thu hút được sự quan tâm từ cộng đồng và sự hợp tác từ các doanh nghiệp. Từ đó tạo ra một môi trường hợp tác và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Trên đây là những khó khăn cần được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm thể chế bằng các kế hoạch và chính sách cụ thể, giúp cho Hội Đông y có cơ hội và điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Qua hội thảo hôm nay, Hội Đông y muốn đề nghị Thành phố tạo điều kiện cho Hội Đông y thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau đây là một số đề xuất của Hội Đông y và mong muốn được UBND thành phố Hà Nội quan tâm và chỉ đạo:

1. Đẩy mạnh quảng bá về y học cổ truyền: Việc này, Hội cũng đã chủ động thành lập một trung tâm truyền thông về Đông y trực thuộc Hội để chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông về Đông y.

2. Tạo điều kiện cho việc phát triển và nghiên cứu y học cổ truyền: Cho phép Hội lập dự án nghiên cứu đánh giá chất lượng nguồn dược liệu của Hà Nội và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn dược liệu bền vững đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình các cấp phê duyệt (Hiện nay Hà Nội chưa có cơ quan nào thực hiện việc này).

3. Hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực: Hội Đông y đề nghị thành phố hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực trong lĩnh vực y học cổ truyền. Điều này bao gồm việc hỗ trợ tài chính hoặc cho Hội được thực hiện cơ chế tự chủ trong đào tạo để mở các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo liên tục và tập huấn chuyên môn. Đây là điều kiện cho Hội được chủ động đào tạo theo quy định của Bộ y tế để tăng cường kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ hội viên và những người quan tâm đến y học cổ truyền. Cho phép Hội xây dựng đề án mở các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo liên tục và đào tạo truyền nghề Đông y trình các cấp phê duyệt (Đây là nhu cầu của cán bộ hội viên, phù hợp với quy định của Bộ Y tế và để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô).

4. Đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của các phương pháp Đông y: Hội đề xuất thành phố giao Hội Đông y chủ động phối với Sở Y tế để quản lý các phòng khám y học cổ truyền của các hội viên để đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của các phương pháp Đông y được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều này bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm tra, đánh giá định kỳ và công nhận các phòng khám đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và hiệu quả. Cho phép Hội xây dựng đề án “Phòng khám y học cổ truyền chất lượng cao” theo các quy định của Bộ Y tế trình các cấp phê duyệt để triển khai trong toàn Hội và lan tỏa trong toàn quốc.

5. Tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng công nghệ y học tiên tiến trong Đông y: Hội Đông y đề xuất thành phố tạo điều kiện thuận lợi để Hội áp dụng công nghệ y học tiên tiến vào các cơ sở y học cổ truyền. Điều này bao gồm việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế và chuyển đổi số. Cho phép Hội xây dựng đề án “Phần mềm quản lý các phòng khám y học cổ truyền” của hội viên theo chuẩn quốc tế, trình các cấp phê duyệt để thống nhất quản lý chuyên môn và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. (Hiện nay Hội có 414 phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền được cấp phép hoạt động).

Tổng quát lại: Đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong Đông y là quá trình tạo ra, phát triển và áp dụng các giải pháp, công nghệ và phương pháp mới vào lĩnh vực y học cổ truyền. Nhằm tối ưu hóa hiệu quả và tính an toàn của Đông y, đồng thời tận dụng các tiềm năng của công nghệ hiện đại để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động này còn khó khăn và hạn chế về tài chính, cơ sở hạ tầng, văn hóa, rủi ro và hợp tác … Để khắc phục các khó khăn và hạn chế, cần có sự cam kết và đầu tư từ Chính phủ, Thành phố và các nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sự tương tác, hợp tác và sáng tạo trong mọi lĩnh vực liên quan để tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong y học cổ truyền có bước phát triển mới và bền vững.

Nguồn: TTND. Ths. Bác sĩ Nguyễn Văn Dung - PCT Trung Ương Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội.